Vua diệt chuột tại chương trình VTV2
DIỆT CHUỘT TẠI TRƯỜNG HỌC
VOV) - Ông chế tạo ra một loại bẫy chuột vô cùng hiệu quả, diệt chuột không cần mồi, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Người nông dân ấy đã mở công ty, được mời đi khắp trong nam ngoài bắc để diệt chuột. Ông không giấu nghề mà luôn nhiệt tình truyền bá cách diệt chuột cho bất cứ ai
Vua diệt chuột- đó là danh hiệu mà bà con nông dân, các nhà khoa học và nhiều người đã trìu mến tôn vinh ông Trần Quang Thiều ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
Công ty diệt chuột
7 giờ sáng, y hẹn chúng tôi có mặt ở trường trung học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm ở đường Trần Quốc Hoàn, Hà Nội để gặp ông Thiều. Ông và 2 người công nhân đã đi kiểm tra bẫy, thu được một đống chuột kha khá. Bác bảo vệ nhà trường cho biết: “Mấy hôm nay, chuột đã vãn. Hôm đầu tiên đặt bẫy thì nhiều kinh khủng!”.
Quả thật, nếu chưa được tận mắt chứng kiến thì nhiều người cũng không tin là chiếc bẫy của ông Thiều lại hoạt động hiệu quả đến vậy. Người công nhân của công ty ông Thiều kể: “Khi chúng tôi đến chợ Đồng Xuân diệt chuột theo hợp đồng với Ban quản lý chợ, nhiều người bán hàng ở chợ thấy đặt bẫy cũng bảo: Bẫy lớn bẫy nhỏ, lại có cả mồi cũng chả ăn thua gì; thế thì cái bẫy này làm sao diệt chuột được? Sáng hôm sau, thu về cả đống chuột người ta mới ngạc nhiên”.
Rất coi trọng chữ tín, nên trước khi giao dịch, bao giờ ông Thiều cũng xuống tận nơi làm thử. Nếu sau một đêm không diệt được 10 kg chuột thì ông sẽ không ký hợp đồng. Diệt chuột trên đồng ruộng, phí dịch vụ cho mỗi lần diệt được tính theo tỉ lệ 5kg thóc/sào nhưng nếu không có kết quả hoặc xảy ra tình trạng để chuột phá hoại 5m2 trở lên, ông cam kết đền ngay 200kg thóc /sào. Thế nhưng trong suốt thời gian hoạt động, công ty của ông chưa bao giờ phải đền bù cho một khách hàng nào.
Hàng chục HTX nông nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh, Hà Tây, Hưng Yên, Hà Nam...đã trở thành khách quen. Các công ty, nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, và xa hơn như Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Vũng Tàu, Cà Mau... cũng ký hợp đồng mời công ty đến tận nơi diệt chuột. Trong số các khách hàng của Công ty chúng tôi thấy có Sân bay quốc tế Nội Bài, Tổng Công ty than, Tổng công ty xăng dầu, Nhà máy bia Đông Nam Á (Hà Nội), Nhà máy sữa Vina Milk (Dương Xá, Gia Lâm), Nhà máy xúc xích Đức -Việt (KCN Hưng Yên), Nhà máy may Việt- Nhật (KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh), Trường Đại học Khoa học tự nhiên (TP HCM), nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, nhà máy chế biến thức ăn gia súc… Ông Thiều cho biết: “Ở cả 3 miền chúng tôi đều gặp giống chuột gò đồi, chuột rừng, tạm gọilà “chuột leo”. Loại chuột này có thể nhận biết bởi đặc điểm đuôi dài hơn tâan từ 2-3 cm (còn chuột đồng bằng thì đuôi bằng thân). Chuột leo rúc vào hàng hóa, theo ô tô vận tải về thành phố, chúng có đặc điểm di chuyển thành từng đàn, leo trèo giỏi, nhảy xa; thích ăn hoa quả, xương động vật. Chúng chính là thủ phạm thường cắn dây điện và những thứ ở trên cao…”
Các khách hàng của ông Thiều, có đơn vị hợp đồng 1 đợt, có đơn vị ký hợp đồng cả năm. Chi phí từ vài triệu đồng đến trên 10 triệu, chỉ là một phần nhỏ so với thiệt hại do lũ chuột gây ra. Như thày giáo Nguyễn Văn Hòa- Hiệu trưởng trường trung học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm khẳng định: Ngoài việc cắn hỏng đồ dùng, trang thiết bị học đường; chuột còn quấy nhiễu bếp ăn, làm ảnh hưởng đến vệ sinh thực phẩm. Chính để bảo vệ cảnh quan môi trường, mà ngay khi nghe tin về Công ty diệt chuột, thày hiệu trưởng đã giao cho nhân viên tìm ngay địa chỉ để mời về diệt chuột tại trường. “Ngay sáng nay, đã bắt được 5 chuột nhắt trong phòng thí nghiệm! Chúng tôi sẽ thuê công ty diệt chuột định kỳ thường xuyên”.
Công ty được thành lập từ tháng 5/2006, đến nay có gần 30 -50 nhân công được đào tạo có kinh nghiệm, sẵn sàng đi khắp nơi để diệt chuột theo yêu cầu của khách hàng. Đi đến mỗi nơi, họ lại chỉ cách diệt chuột hiệu quả cho những người ở nơi đó. “Chỉ cần một hai buổi, vừa chỉ dẫn vừa thực hành, là các bác bảo vệ, lao công ở các nhà máy, trường học, công ty có thể nắm được cách diệt chuột để diệt thường xuyên”. Vậy bác không sợ mất nghề hay sao? Ông Thiều cười thoải mái: “Không, tôi mong ngày càng nhiều người nắm được cách diệt chuột. Chuột bây giờ, quá nhiều, gây hại không kể đâu cho xiết!”.
Ông Thiều bảo, theo sách hướng dẫn về nông nghiệp, mỗi năm từ 1 con chuột có thể sản sinh ra 2.048 con!
Chiếc bẫy tài tình
Thời gian làm đội trưởng đội sản xuất kiêm trưởng thôn, ông Thiều được địa phương cử đi học lớp quản lý dịch hại do Chi cục bảo vệ thực vật Hà Tây mở. Thấy bà con học được bao nhiêu cách làm để tăng năng suất cây trồng, mong thu hoạch được nhiều sản phẩm, nhưng lại bị lũ chuột ăn hại một phần đáng kể, ông quyết tìm cách diệt chuột.
Công cụ diệt chuột trên thị trường thì không thiếu. Bao nhiêu loại bẫy: bẫy lồng, bẫy dính, bả chuột…Nhưng sao vẫn không hiệu quả. Ông mua các loại bẫy về nghiên cứu để tìm ra ưu, nhược điểm của chúng. Ông lại bỏ công kiên trìtheo dõi, quan sát hoạt động, đặc tính của loài chuột, tìm quy luật hoạt động đi lại, kiếm ăn, sinh sản… của chúng. Mất nhiều năm tìm tòi, đến năm 2000, cuối cùng ông đã nghiên cứu, cải tạo chiếc bẫy hình bán nguyệt thành một chiếc bẫy hoàn chỉnh hơn, có cấu tạo khá đơn giản nhưng hiệu quả cao: Hai mặt bẫy khi sập phải đảm bảo độ ăn khớp, lò xo làm bằng thép sống tạo sức bật mạnh, hai sợi dây câu mồi gắn vào quả đối trọng để đảm bảo giữ thăng bằng... Bẫy diệt chuột bằng phương pháp cơ lý, không cần mồi, bả; nên không ảnh hưởng đến môi trường. Giá thành một chiếc bẫy chỉ từ 10.000đ đến 20.000đ/chiếc
Ông Thiều đã tổng hợp những hiểu biết về cách diệt chuột thành “cẩm nang” gồm 8 cách quan sát quy luật hoạt động của chuột như dựa vào dấu chân, đường chạy, chất thải, cách di chuyển... của chuột, và 6 cách đặt bẫy: trên đường đi, dưới nước, trên dây, trên cây... Để đặt bẫy dưới nước, ông dùng 3 que tre cắm thăng bằng đỡ lấy 1 tấm ván nhỏ và trên đó dăng bẫy. Hay ở trên cao: tường nhà, đường dây điện… ông cũng dùng mấy thanh tre để cố định được bẫy.
Ông Thiều rút ra rằng, chuột cái có 8 tháng hoạt động ở ngoài ruộng, còn chuột đực thì quanh năm. Ông nhấn mạnh một đặc điểm cơ bản là thói quen của chuột khi kiếm ăn đi và về cùng một đường, đi đường nào về bằng đường ấy. Nắm được quy luật đó để đặt bẫy thì chuột hết đường chạy.
Với kinh nghiệm thực tế và khả năng thuyết trình ngắn gọn, dễ hiểu ông Thiều đã nhiều lần được chương trình IPM quốc gia điều động trực tiếp đến các địa phương truyền đạt kinh nghiệm, tổ chức phong trào diệt chuột cho hàng trăm nông dân.
Ngoài những giấy khen, bằng khen trong phong trào diệt chuột góp phần bảo vệ sản xuất và tài sản xã hội, ông được Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tây phong là chuyên gia diệt chuột; tháng 9/2007 ông vào thành phố HCM nhận giải thưởng "những nhà khoa học nông dân" của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển thương hiệu Việt trao tặng.
Ông Thiều cho biết đã nộp đơn tới Cục Sở hữu trí tuệ để đề nghị được bảo hộ kiểu dáng chiếc bẫy và chiếc bẫy của Ông đã được đăng ký bảo hộ Thành công.
Điều ông tâm đắc hơn cả là đã góp phần trừ được nạn chuột. Tính đến nay ông và công ty của mình đã diệt được hơn 6 triệu “giặc đuôi dài”, dạy cho hàng chục ngàn người biết cách diệt chuột hiệu quả. Ông mong sang năm Tý này, những loài chuột hại chuyên đục khoét của dân sẽ bị triệt hạ nhiều hơn, để giảm bớt phần thiệt hại cho tài sản của nhân dân và Nhà nước./.
Những tin mới hơn